Hậu trường Moskva không tin những giọt nước mắt

Sự kiện thú vị

Vào năm 1980, bộ phim "Moskva không tin vào những giọt nước mắt" vinh dự giành được giải Oscar - giải thưởng điện ảnh cao quý nhất trên thế giới. Ban đầu, kịch bản bộ phim vốn là một tác phẩm dự thi chiếm giải ba trong cuộc vận động sáng tác về Moskva. Tác giả kịch bản đưa cho đạo diễn mới vào nghề Vladimir Menshov đọc thử và đề nghị làm phim vì trước đó, các nhà đạo diễn tên tuổi đều từ chối. "Lúc đầu tôi cũng không hào hứng với kịch bản ấy lắm - Vladimir Menshov nhớ lại - chi tiết duy nhất khiến tôi lập tức chú ý là Katerina (nữ nhân vật chính của bộ phim) đặt đồng hồ báo thức và ngủ thiếp đi trong hàng nước mắt, thức dậy khi đã trôi qua một thời gian dài rồi đánh thức cô con gái đã lớn. Thậm chí tôi cứ tưởng mình bỏ sót mất vài trang". Nhưng khi hiểu ra đấy là một cú nhảy trong thời gian 20 năm, Menshov liền nghĩ đến việc ông sẽ dựng bộ phim như thế nào. Ban đầu vai Katerina định nhắm cho hai nữ minh tinh Soviet lúc ấy, nhưng một người từ chối vì bận, người khác đã chọn vai trong phim khác. Còn đối với vai Gosha (nhân vật nam chính), đoàn làm phim cũng đã thử khá nhiều ứng viên, nhưng cuối cùng rơi vào Batalov. Đạo diễn tìm kiếm người đóng Gosha trong số các diễn viên tầm 30 - 40 tuổi, đã nhắm sẵn trong đầu các ứng cử viên tiềm năng, trong đó có những "sao" nổi tiếng như Tikhonov, người thủ vai đại tá tình báo Liên Xô trong bộ phim "Mười bảy khoảng khắc mùa xuân". Nhưng một lần tình cờ được xem một bộ phim có Batalov đóng trên vô tuyến, Menshov thốt lên: "Gosha đây rồi !". Thật may là Batalov không từ chối. Cái độc đáo của "Moskva không tin những giọt nước mắt" là ở chỗ, trong suốt cả bộ phim không hề có vai phụ. Tất cả các vai, từ bà mẹ của Rudik cho đến ông Phó phòng Anton, bà trực tầng ở ký túc xá đều quan trọng như các vai chính. Menshov nói: "Tôi không thể mời người ta đến rồi chơi không, chả có gì mà thể hiện cả. Đối với tôi rất quan trọng là phải chính diễn viên đóng nhân vật Phó phòng nói cái câu "bốn mươi tuổi đời mới bắt đầu cơ mà". Tiếp theo mới nghĩ đến việc ông ta phải đóng cái gì. Rõ một chuyện là ông ta không nhảy với lũ trẻ được, vậy thì ông ta khác với những vị khách khác ở điểm nào ? Khác ở chỗ là ông ta, đồ già chơi trống bỏi, dạ dày thì đau mà vẫn cố bám lấy các cô, nhưng cuối cùng lại phải ngồi lỳ trong toa - let. Còn vai bà trực tầng trong kịch bản gốc không hề có, nhưng chúng tôi cho bà làm "người thân" của nữ nhân vật chính - lúc thì "Hello" qua điện thoại, lúc khác đón Katerina từ nhà hộ sinh". Khi xem thử xong bộ phim, các thành viên Hội đồng nghệ thuật của xưởng "Mosfilm" đều né tránh nhận xét. Chỉ có Giám đốc xưởng phim, một người vốn khắt khe, kiệm lời khen đột nhiên nói: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đoạt nhiều giải thưởng và chiếm được cảm tình của công chúng với bộ phim này cho mà xem !". Tuy thế, khi nói chuyện riêng với nhau, ông này đề nghị đạo diễn cắt bớt những cảnh thầm kín, nhỡ ra nhân vật có thẩm quyền về văn hóa lại không hài lòng. Nhưng Menshov không chịu cắt. Sau khi bộ phim được lãnh đạo Liên Xô xem thử, ông hỏi giám đốc "Mosfilm": "Sao rồi, "nhân vật có thẩm quyền" nói sao ?". Ông giám đốc phẩy tay: "Brezhnev hài lòng là được rồi !". Vậy là bộ phim đã được thông qua suôn sẻ.

Ngay trong năm đầu công chiếu, đã có 85 triệu người ở Liên Xô đến rạp xem bộ phim. Hơn 100 nước đã mua bản quyền, ở Mỹ, bộ phim đã chiếm ngôi đầu bảng về doanh thu: được mua với giá 50 ngàn USD, trong vòng một năm nó đã mang về 2,5 triệu tiền vé - một con số rất lớn thời ấy. Nhân đây, cũng nói thêm là bộ phim chỉ tốn kém 550 ngàn rúp. Bộ phim được công chiếu trên toàn thế giới, diễn ra những buổi chiếu ra mắt trọng thể, nhưng có một người luôn vắng mặt là đạo diễn Menshov vì người ta không cho ông ra nước ngoài. Menshov tìm hiểu khắp, đến những nơi cần đến, nhưng ở đâu các quan chức cũng chỉ mập mờ: "Anh đợi ít lâu nữa rồi mọi chuyện giải quyết xong ngay ấy mà !". Chỉ nhiều năm sau ông mới biết, vì ghen tị, một vài đồng nghiệp đã gửi đơn nặc danh lên cơ quan An ninh chỉ vì một lần ông xuýt xoa khen sao mà hoa quả tại một siêu thị ở nước ngoài ngon đến thế. Khi giấy mời dự lễ trao giải Oscar đến tay Menshov, tất nhiên là ông không được sang Mỹ, Tùy viên Văn hóa của Đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ đã lên nhận tượng thay ông. Ngày hôm sau, tất cả các báo phương Tây được thể ầm ĩ lên rằng nhân viên KGB lên nhận tượng Oscar thay cho đạo diễn bị cấm ra nước ngoài. Bản thân Menshov không được biết ngay về tin tốt lành này. Vào thời điểm trao giải, ông thử bắt đài "Tiếng nói Hoa Kỳ" nhưng không được. Sáng hôm sau một hồi chuông điện thoại đánh thức ông dậy, mời ông đến Cục Điện ảnh Quốc gia. Lãnh đạo Cục lảng tránh ánh mắt Menshov, lúng túng nói: "Xin chúc mừng anh, bộ phim đã được nhận giải Oscar !". Ông đáp: "Thế nào, các anh đã đạt được điều mình muốn chưa ?". Lúc đó Reagan đã lên nắm chính quyền và gọi Liên Xô là "Đế chế của cái ác". Trong bối cảnh như thế, việc một bộ phim Soviet nhận giải Oscar là một thành tựu Chính trị lớn, thế nhưng đạo diễn của nó lại không được ra nước ngoài. Ở trong nước, thời gian đầu giới điện ảnh đón nhận sự ra đời của bộ phim với thái độ hằn học, còn đạo diễn hứng khá nhiều đòn xung quanh bộ phim này. Nhưng thời gian trôi đi, những lời buộc tội bị quên lãng, duy tình yêu của khán giả vẫn còn đó. Nhiều chàng trai, cô gái tuổi 17 - 18 ở Nga hiện nay vẫn coi "Moskva không tin vào những giọt nước mắt" là một trong những bộ phim yêu thích nhất của họ. Đây là một vài câu nói trong phim được khán giả Nga ưa thích: "Đừng dạy tôi sống, mà hãy giúp tôi vật chất", "Ở tuổi bốn mươi đời mới bắt đầu kia mà", "Để trở thành bà tướng, trước tiên ta phải lấy anh Trung úy cái đã", "Ở đất nước này thật căng với giấy má".

Nhạc phim